Nội soi khớp gối trước và trong phẫu thuật giúp bác sĩ quan sát rõ ràng tình trạng khớp gối và điều trị triệt để các vấn đề ở khớp gối của bệnh nhân. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn, ít biến chứng, giúp bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe.
1. Sơ lược giải phẫu khớp gối
Khớp gối đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với chuyển động của cơ thể. Khớp gối ở người có cấu tạo như sau:
1.1 Mặt khớp
Gồm có lồi cầu xương đùi, lồi cầu xương chày, xương bánh chè và sụn chêm. Sụn chêm nằm giữa mặt khớp lồi cầu đùi và mâm chày, có công dụng giảm sốc khi sụn khớp lồi cầu đùi và mâm chày tiếp xúc trong quá trình vận động. Mặt khác, sụn chêm còn có tác dụng giữ cho khớp gối vững vàng khi vận động;
1.2 Phương tiện nối khớp
Gồm bao khớp và dây chằng. Bao khớp có tác dụng che chở và bảo vệ khớp. Còn hệ thống dây chằng giữ vững khớp gối khi thực hiện các động tác;
1.3 Bao hoạt dịch
Toàn bộ khớp gối được bao phủ bởi một lớp màng hoạt dịch có tác dụng tiết ra dịch khớp với lượng vừa đủ để bôi trơn quá trình vận động của khớp gối, giúp khớp hoạt động dễ dàng. Tuy nhiên, bao hoạt dịch còn có tác dụng chống viêm. Khi bị chấn thương hay viêm nhiễm, bao hoạt dịch có thể bị dày lên, tiết nhiều dịch khớp, làm khớp gối sưng lên. Bên cạnh đó, bao hoạt dịch dày lên cũng gây cản trở thuốc ngấm vào khớp, làm giảm hiệu quả điều trị các bệnh lý ở khớp gối.
2. Nội soi khớp gối là gì?
Nội soi khớp (phẫu thuật lỗ khóa) là kỹ thuật trong đó bác sĩ đưa một camera đưa vào trong đầu gối của bệnh nhân thông qua một đường rạch nhỏ trên da. Qua camera, toàn bộ hình ảnh trong khớp gối sẽ được trình chiếu trên một màn hình lớn, giúp bác sĩ quan sát được mọi cấu trúc nằm trong khớp gối. Nhờ thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật có thể chẩn đoán chính xác các vấn đề như rách sụn, tổn thương dây chằng, viêm khớp,…
Bên cạnh một lỗ nội soi để đưa camera vào khớp gối, một lỗ khác được dùng để đưa dụng cụ vào thực hiện các thao tác phẫu thuật. Thuận lợi của phẫu thuật nội soi so với mổ hở là ít gây đau đớn, thời gian phục hồi sớm hơn và trong một số trường hợp có độ chính xác cao hơn mổ hở.
Nội soi khớp gối được dùng hỗ trợ trong các trường hợp sau:
- Chẩn đoán xác định các thương tổn của khớp gối khi các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học khác không đưa ra được kết luận chính xác;
- Hỗ trợ lấy các dị vật trong khớp gối như các mảnh sụn trong bệnh lý viêm sụn tách rời;
- Phẫu thuật cắt sụn chêm hoặc khâu sụn chêm bị rách khi có chỉ định phẫu thuật (cho kết quả tốt hơn mổ hở);
- Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước trong tổn thương đứt dây chằng chéo trước của gối. Đây là kỹ thuật dùng sợi gân bánh chè hoặc gân chân ngỗng để thay thế dây chằng chéo trước bị đứt (vì dây chằng chéo trước không có khả năng lành khi được khâu lại);
- Dùng dụng cụ với sự hỗ trợ của nội soi để cắt bao hoạt dịch bị dày lên trong các bệnh lý viêm khớp gối như viêm khớp dạng thấp để cải thiện việc điều trị bằng thuốc kháng viêm;
- Sự trợ giúp của nội soi giúp bác sĩ có thể mổ nắn và kết hợp xương trong các gãy xương đơn giản vùng mâm chày hay bánh chè với độ chính xác cao vì nhìn thấy được mặt khớp trực tiếp;
- Phẫu thuật nội soi cắt các mảnh sụn, bao khớp gối bị rách do thoái hóa, bơm rửa khớp gối, giúp kéo dài thời gian không đau của khớp gối. Ngoài ra, phẫu thuật nội soi khớp gối cũng có thể thực hiện cấy ghép các tế bào sụn nuôi để phục hồi mặt khớp.